Quy hoạch ga Hà Nội thành điển hình của mô hình phát triển đô thị

Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội và đại diện là BQLDA Quy hoạch xây dựng vừa ký hợp đồng tư vấn với Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (Nhật Bản) để lập quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận tỷ lệ 1/2000 (gói thầu số 4).

Đồ án quy hoạch nhằm khớp nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông trong khu vực, giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc công trình ga Hà Nội.

Đồng thời định hình khu vực mang tính biểu tượng về kiến trúc, hình thành một khu trung tâm công cộng dịch vụ-văn hóa năng động, tạo sức hút và cấu trúc hiện đại với chức năng “đầu mối giao thông”, “trung tâm thương mại-văn phòng”, và “đầu mối giao lưu cấp vùng”.

ga Hà Nội
Ga Hà Nội sẽ được quy hoạch trở thành một khu công cộng dịch vụ – văn hóa
năng động, cấu trúc hiện đại (phối cảnh minh họa)

Quy hoạch đồng bộ không gian ngầm, cầu đi bộ trên cao và quảng trường trước ga. Các công trình này có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của khu vực trung tâm TP. Việc xây dựng các công trình hướng đến xây dựng khu vực quy hoạch trở thành một điển hình tiên tiến của mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng-TOD (Transit Oriented Development) lấy nhà ga đường sắt làm trung tâm, đồng bộ với quy hoạch phân khu đô thị.

Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội phát biểu tại buổi lễ cho biết: Việc lập quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận sẽ làm rõ hình ảnh tương lai của khu vực xứng đáng với chức năng là cửa ngõ, bộ mặt của Thủ đô Hà Nội; làm cơ sở cho việc tái thiết đô thị và thu hút đầu tư xây dựng, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận cần nghiên cứu, tiếp thu, kế thừa kinh nghiệm cũng như các dự án TOD tương tự để có giải pháp thích hợp. Đồng bộ các tuyến giao thông, giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông thông qua việc áp dụng mô hình TOD.

Đồng thời, phát triển đô thị theo nhiều tầng để tạo ra không gian hiệu quả như phát triển không gian ngầm, kết nối các trung tâm mua sắm với các nhà ga; phát triển các khu dân cư xung quanh điểm kết nối thông qua việc tăng cường hệ thống giao thông công cộng, đặt biệt là sự kết nối các khu dân cư với các nhà ga Metro. Đưa ra các quy định, có sự hỗ trợ về chính sách để khuyến khích sự phát triển đô thị, góp phần tạo nên thành công trong việc thực hiện mô hình TOD tại các đô thị tại Việt Nam.